15/6/15

TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TẠI HÀ GIANG GẮN VỚI XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA DƯỢC VIỆT NAM

Hà Giang, tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Dù còn có khó khăn nhất định do điều kiện địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, trình  độ dân trí... song Hà Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh: có rừng và diện tích đất rừng chư­a sử dụng; các sản phẩm nông - lâm nghiệp phong phú, có vùng cây ăn quả đặc sản; có nhiều điểm quặng và nhiều loại khoáng sản.


Định hướng phát triển du lịch và phát triển cây dược liệu của Hà Giang trong thời gian tới là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương đã nhất trí, đồng tình và ủng hộ cao đối với định hướng phát triển trên. 

1. Dự án phát triển cây dược liệu tại Hà Giang

Ngày 27 tháng 02 năm 2015, tại Văn bản số 287/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện nghèo 30a tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là Dự án).


Tại một số vùng của Việt Nam trong đó có Hà Giang với điều kiện tự nhiên, khí hậu tương đối đặc thù nên nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng. Qua các số liệu điều tra đã thống kê được, cả nước có trên 4.000 loài thực vật được dùng làm thuốc. Đã từ khá lâu, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã biết dùng cây thuốc để chữa bệnh, với kinh nghiệm điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.
Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu trở thành vùng sản xuất dược liệu lớn nhất vùng Đông Bắc, có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến dược liệu trong nước và tại một số nước vùng Đông Nam Á.

Dự án được triển khai nhằm đạt được các mục tiêu tổng quát sau đây: 

i) Trồng các loại cây dược liệu thích hợp, kết hợp với bảo tồn và thu hái bền vững các loại cây dược liệu tự nhiên theo hướng khai thác lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị, để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang và trọng điểm là 6 huyện 30a của tỉnh; 

ii) Làm cơ sở xây dựng thành lập vườn quốc gia về phát triển cây dược liệu. Hà Giang dự kiến hình thành vùng trồng khoảng 41 loài cây dược liệu với diện tích trên 5.200 ha theo tiêu chí GACP (thực hành tốt trồng trọt dược liệu) và thu hái từ tự nhiên 17 loài cây dược liệu theo tiêu chí GCP (thực hành tốt thu hái dược liệu); duy trì và củng cố 7.400 ha hiện có; tạo vùng sản xuất dược liệu của có tầm cỡ quốc gia, tham gia thị trường dược liệu trong nước và khu vực.

2. Ngành dược liệu và công nghiệp hóa dược

Công nghiệp hoá dược là ngành công nghiệp sản xuất ra các nguyên liệu để bào chế thuốc (các hoạt chất có tác dụng trị bệnh), tá dược và các loại phụ gia (phụ gia trơn, phụ gia đính)... 

Có hai nguồn nguyên liệu chính sử dụng trong công nghiệp hóa dược, gồm: Nguồn hóa chất và nguồn dược liệu

Trên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới, thay vì tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm có nhiều khó khăn và nhiều độc tính, các nhà khoa học, các tập đoàn dược phẩm lớn đang chú trọng vào việc tìm ra, chiết xuất các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và phù hợp quy luật sinh lý của cơ thể.

Nguồn dược liệu bao gồm nguyên liệu thực vật, động vật, sinh vật biển.  Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng với khoảng 10.350 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn 2.000 loài tảo. Kết quả điều tra, cả nước ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm lớn có thể sử dụng làm thuốc, trong đó có hàng chục loại có giá trị chữa bệnh cao. 

Tổng sản lượng dược liệu ở Việt Nam hằng năm ước tính khoảng từ 3 - 5 nghìn tấn (có số liệu cho biết từ 5- 7.000 tấn). Một số dược liệu quý đã được thế giới công nhận và có tiềm năng phát triển rất lớn như: hồi, trinh nữ hoàng cung, quế, atisô, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng, hoa hòe... 

Tại Việt Nam, đã có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu. Nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm khác từ dược liệu ở nước ta ngày càng tăng. Việt Nam có một nền y học dân tộc lâu đời với các tri thức sử dụng các loại dược liệu, các bài thuốc có giá trị dùng để chữa các bệnh thông thường và nan y, cần phát huy để phát triển. Mặt khác, dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào.

Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hóa dược, tại Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020. Văn phòng Chương trình đặt tại Cục Hóa chất, Bộ Công Thương. Theo chỉ đạo của Ban Điều hành liên ngành Chương trình: Ngành dược liệu là một trong năm nhóm sản phẩm được ưu tiên phát triển trong Chương trình, năm nhóm sản phẩm bao gồm: thuốc kháng sinh, thuốc từ dược liệu, tá dược, thuốc thiết yếu, Vitamin và tá dược.

Một số kết quả của ngành chế biến dược liệu: 

Nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học cao để cung cấp cho dược phẩm đã được chiết suất và bán tổng hợp như:

- Artemisinin, DHA, artesunat từ thanh hao hoa vàng (artemisia annua L) để làm thuốc điều trị sốt rét;
- Berberin từ vàng đắng (cocinium fenestratum) để làm thuốc phòng chống dịch lỵ. Berberin là một hoạt chất có chứa nhiều trong cây Vàng đắng, Hoàng liên gai, Hoàng bá;
- Rutin từ hoa hoè, hiện đã được xuất khẩu đi một số nước;
- Diosgenin từ củ dioscorea. Diosgenin được chiết xuất từ củ mài là một nguyên liệu quý giá cho việc bán tổng hợp các loại thuốc steroit, một nhóm thuốc hết sức quan trọng trong y học hiện đại mà hàng năm nước ta phải nhập khẩu với lượng lớn ngoại tệ;
- Ajmalicin, vandolin, cantharathin, vinblastin, vincristin từ cây Dừa cạn. Vinblastin, một hoạt chất điều trị ung thư hiệu quả từ cây dừa cạn đã được nghiên cứu và đưa thành quy trình công nghệ chiết tách cũng như bán tổng hợp từ vindolin dùng làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc;
- Rutudin từ củ bình vôi. Nhiều công ty, xí nghiệp dược đang bào chế các loại thuốc an thần có chứa rotundin với tên thương mại là Stilux, Rotunda,...
- Một số loại dược liệu như tinh dầu bạc hà, quế, long nhãn, ý dĩ, hoài sơn đã được xuất khẩu.

Sau 7 năm hoạt động Chương trình Hóa dược hoạt động theo Quyết định 61/2007/QĐ-TTg đã cấp kinh phí cho các đề tài về dược liệu bao gồm: gấc, dừa cạn, xuyên tâm liên, mướp đắng, gừng gió, vỏ quả nho, cây đằng hoằng, hạt tiêu, chè xanh, rong nâu, sà xàng, thồm lồm, nghệ, dứa, nấm linh chi, xa kê, măng cụt, chôm chôm, bằng lăng nước, giảo cổ lam, chi mẫu, hoàn ngọc, bứa lá tròn, đu đủ, tía tô…

3. Một số Công ty hoạt động trong lĩnh vực dược liệu và một số mô hình trồng, chế biến dược liệu:

- Công ty CP dược liệu trung ương 2 (Phytopharma), Nguyễn Thị Nghĩa, Quận 1, TP Hồ Chí Minh: Sản xuất thuốc đông dược, xuất khẩu dược liệu, chế biến dược liệu từ cây đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, muồng trầu, lược vàng, lô hội,…

- Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh: Trồng và chế biến các loại cây được liệu như Ba kích, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Cà gai leo, Diệp hạ châu và Hoài sơn… với diện tích trên 20 ha ở các khu vực Cẩm Phả, Hải Hà, Hoành Bồ, Vân Đồn.

- Công ty Traphaco, Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội: Chế biến rất nhiều sản phẩm từ dược liệu như đinh lăng, chè dây, cúc hoa (trồng tại Hưng Yên), actiso, ô đầu, chè dây tại Sa Pa (Lào Cai)...

- Công ty CP Dược liệu Việt Nam (Vietmec), phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thu mua, chế biến dược liệu.

- Công ty CP Dược phẩm trung ương 3 (Foripharm), Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

- Công ty CP SP thiên nhiên DK (xã Yên Ninh – Phú Lương – Thái Nguyên); Chuyên trồng cây Dây Thìa canh có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường.

- Công ty CP dược trung ương Mediplantex: Sản phẩm đi từ dược liệu của Công ty khá nhiều, bao gồm ba kích, bạch chỉ, bồ công anh, hà thủ ô,….sản phẩm bao gồm arteminisin, artesunate, comazil (chữa cảm cúm từ thảo dược), cerecaps (tăng cường tuần hoàn não);

- Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco, Cao Lãnh, Đồng Tháp: Chế biến thuốc và thực phẩm chức năng từ tam thất, trà xanh, lạc tiên, ích mẫu, hà thủ ô,….

- Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG Pharma), Ninh Kiều, Cần Thơ, nhóm sản phẩm có thành phần hoạt chất từ thiên nhiên như Naturenz, Spivital....được chiết xuất từ gấc, lekima, củ cải, mướp đắng, tảo xoắn…

- Công ty CP BV Pharma: BV Pharma phát triển và sản xuất các dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược và thiên nhiên: cao khô dược liệu (200 tấn/năm); Hóa dược từ dược liệu: Mangiferin (TCDDVN4), Curcumin, Rutin DAB8, Chitosan, Glucosamin sulfat…

- Công ty CP Dược phẩm OPC: Một số sản phẩm uy tín từ dược liệu như viên trị sỏi thận Kim tiền thảo, Dầu khuynh diệp OPC, siro ho Astex, viên trị sốt rét Artecan và CV Artequik. Nhà máy Dược phẩm OPC Bình Dương sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu vào loại lớn nhất tại Việt Nam, được vận hành theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng được các tiêu chuẩn của GMP-WHO.

- Công ty Dược phẩm Khải Hà, Thái Bình: Sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu dạng bào chế: Thuốc viên nén, viên nén bao phim,viên nén bao đường, viên nang cứng, viên hoàn cứng, thuốc cốm, thuốc bột, thuốc nước, thuốc thang, trà thuốc, cao chiết từ dược liệu như atiso, trinh nữ hoàng cung, ba kích, hòe,……

Một số mô hình thành công trong việc trồng và chế biến dược liệu:

- Công ty Traphaco với dược liệu Đinh lăng: Tại Nghĩa Hưng, dự án BioTrade và Công ty Traphaco cùng hợp tác để phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại tỉnh Nam Định. Tính đến tháng 7/2013, diện tích vùng trồng của Công ty Traphaco là 154,8 ha, trong đó có 93,8 ha vùng trồng dược liệu theo GACP – WHO gồm Actiso, Bìm bìm, Đinh lăng, Cúc hoa vàng, Gừng, Đương quy, Sinh địa.

- Công ty Dược Hậu Giang: DHG Pharma đã phát triển vùng trồng dược liệu tại Tri Tôn - An Giang mà mô hình khởi điểm là cây tần dầy lá với diện tích hơn 30 ha. DHG Pharma kiểm soát chặt chẽ toàn chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm bằng hệ thống đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

- Cây Ba kích dược liệu trên Tam Đảo: Tam Đảo có nguồn tài nguyên cây dược liệu quý hiếm, đa dạng về chủng loại và số lượng như: Bồ bồ, bách bộ, nhân trần, ba kích…Nhiều mô hình trồng cây dược liệu đã được triển khai. Hiện nay tổng diện tích Ba kích dược liệu là 7.200m2.

- Công ty Thiên Dược với cây trinh nữ hoàng cung: Vùng trồng cây trinh nữ hoàng cung đạt chuẩn GACP-WHO đã được triển khai. Công ty Thiên Dược đã chiết xuất, bào chế thành công viên nang Crila 100% chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung điều trị u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt.

- Dược liệu tại Nặm Đăm, Hà Giang: Nặm Đăm đang trồng thử nghiệm atiso và một số cây dược liệu khác như: Ý dĩ, đằng sâm, bạch chỉ, đương quy...Hiện có 3 doanh nghiệp đang hỗ trợ đầu tư và thu mua sản phẩm dược liệu cho các hợp tác xã tham gia, gồm: Công ty TNHH Bình Minh 3; Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội và Công ty CP Nam Dược.

- Công ty Cao Nguyên với đông trùng – hạ thảo: Công ty CP Cao Nguyên thực hiện nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Mộc Châu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án được thực hiện từ tháng 4/2014, đến nay đã cho 2 đợt thu hoạch, chất lượng được đánh giá cao, với giá bán bình quân 20 triệu đồng/kg sản phẩm tươi. 

- Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung: Hiện tại, TTDLMT đang bảo tồn và sản xuất trên 50 loài dược liệu, cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm khô/năm cho hàng trăm đầu mối khách hàng trong và ngoài nước; với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Các nước đang tiêu thụ mạnh sản phẩm của TTDLMT là Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan...

- Công ty TNHH Dược phẩm An Thiên trồng các loài dược liếu quý hiếm tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, như: Trầm hương, hoài sơn, đinh lăng, hà thủ ô…

- Công ty CP Nam Dược đã và đang phát triển vùng nguyên liệu riêng như vùng trồng Dây thìa canh chữa bệnh tiểu đường tại Hải Hậu - Nam Định; Độc Hoạt, Đương Quy tại Lào Cai; Sa nhân, Hy thiêm, Tam Thất, Khôi tía tại Hà Giang; Cà gai leo tại Hà Nội; Diệp hạ châu, Húng chanh tại Phú Yên, Bạch chỉ, Sinh địa.

- Công ty OPC đã liên kết nuôi trồng, chiết xuất và chế biến dược liệu tại Bắc Giang, một tỉnh phía Bắc có điều kiện tự nhiên và truyền thống lâu đời về nuôi trồng dược liệu quí..  Kim tiền thảo của Công ty OPC là mặt hàng đã trở thành thương hiệu và có doanh thu cao của Công ty.

4. Quy hoạch và định hướng xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu

Thế mạnh của nước ta là có nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là nguồn nguyên liệu động thực vật hết sức đa dạng và phong phú với hàm lượng hoạt chất có hoạt tính sinh học khá cao. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do thiếu sự khảo sát đánh giá, điều tra và bảo vệ nên vùng phân bố tự nhiên của nhiều loại cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác một cách cạn kiệt. 

Nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ như khu vực núi Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai); cao nguyên An Khê (thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh)..., thậm chí nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng.  Hiện nay có 144 loài cây thuốc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. Muốn khai thác được thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để sản xuất các hóa dược thiên nhiên và dẫn xuất phục vụ cho công nghiệp dược chúng ta cần phải có định hướng và quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nguyên liệu cho sản xuất hóa dược.

Việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu sẽ tập trung vào những loài cây, con mà Việt Nam có thế mạnh như: Thanh hao hoa vàng, Hoa hòe, Dừa cạn, Bình vôi, Bạc hà, Tỏi, Gấc, Nghệ, Bồ bồ, Mướp đắng, Nhân trần, Đậu tương, Hương nhu, Ngũ sắc, Gừng, Ích mẫu, Cúc gai, Cúc Vạn thọ, Lô hội, Trinh nữ hoàng cung, Quế, Hồi, Màng tang, Ba kích, Sen, Ngũ gia bì,  Vàng đắng, Hoàng liên gai… 

Theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 có 08 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường, cụ thể như sau:

1) Vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ): Phát triển trồng 13 loài dược liệu bao gồm 04 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn và 09 loài nhập nội: Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Hoàng bá, Mộc hương, Ô đầu, Tam thất, Xuyên khung với diện tích trồng khoảng 2.550 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Actisô, Đương quy, Đảng sâm.

2) Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) và Lâm Đồng (Đà Lạt): Phát triển trồng 12 loài dược liệu bao gồm 05 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 07 loài nhập nội: Actisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3.150 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bạch Truật, Đỗ trọng và Actisô.


và 06 vùng khác bao gồm: c) Vùng trung du miền núi Bắc Bộ; d) Vùng đồng bằng sông Hồng; đ) Vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ; e) Vùng Nam Trung Bộ; g) Vùng Tây Nguyên; h) Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Hiện nay, đã khảo sát, đề xuất triển khai xây dựng một số vườn quốc gia và đến năm 2020 bảo tồn được 50% số loài dược liệu và đến năm 2030 bảo tồn được 70% tổng số loài dược liệu Việt Nam. Quy hoạch vùng nguyên liêu cần ưu tiên việc tạo dựng nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng để cung cấp cho các nhà máy chiết xuất. Tránh tình trạng thu mua dược liệu mọc hoang nhỏ lẻ và việc trồng trọt phân tán vì điều này sẽ làm giảm chất lượng dược liệu và tăng giá thành sản xuất.

5. Một số giải pháp, chính sách cụ thể cho ngành dược liệu nói chung và cho việc trồng và chế biến dược liệu tại Hà Giang  

Theo Quy hoạch phát triển ngành hóa dược Việt Nam, Quy hoạch phát triển dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ thực tế triển khai tại một số địa phương, có một số giải pháp, chính sách như sau có thể áp dụng để phát triển ngành trồng và chế biến dược liệu tại Hà Giang:

+ Đối với cơ quan quản lý:

- Công tác quản lý còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành, thiếu phối hợp trung ương – địa phương, chưa có đầu mối để điều phối chung.

- Công tác quy hoạch cần có cái nhìn tổng thể để bảo tồn, phát triển bền vững các vùng dược liệu trọng điểm.

- Tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa, kiểm tra chất lượng từ nguyên liệu đến thành phẩm. Để tránh hiện tượng khai thác cạn kiệt, cần thực hiện sớm chương trình bảo vệ đồng thời với việc phát triển các nguồn gen quý hiếm.

- Cần cụ thể hóa các quy định về điều kiện bán buôn, bán lẻ thuốc, xuất nhập khẩu (GPP, GDP, GSP) để áp dụng cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ dược liệu.

- Ngăn ngừa có hiệu quả việc nhập lậu dược liệu không đạt tiêu chuẩn vào nước ta: Dược liệu chất lượng kém từ biên giới, nhập khẩu không kiểm soát đã khiến doanh nghiệp kinh doanh dược liệu trong nước khốn khó.

- Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hoá các khâu làm đất, bón phân, thu hoạch... Hiện đại hoá khâu thu hái, sơ chế để đảm bảo phẩm cấp nguyên liệu, đầu tư thiết bị kiểm tra chất lượng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phân cấp nguyên liệu phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đối với cây dược liệu cần lồng ghép phát triển vùng nguyên liệu với với các chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

- Khuyến khích nông dân đưa các giống cây dược liệu vào sản xuất đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng phát triển thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Tăng cường hợp tác giữa các đơn vị sản xuất nguyên liệu với chính quyền địa phương và các hộ nông dân.

- Cần có sự chỉ đạo có định hướng của các cơ quan liên ngành để tránh đầu tư theo phong trào như đã từng xẩy ra hoặc thiếu kỹ thuật nuôi trồng – canh tác dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư hoặc gây thiệt hại cho người nông dân.

- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các Viện, Công ty nguyên liệu để có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và nhân giống mới nhằm phát triển vùng nguyên liệu tự nhiên có chất lượng cao.

- Nhà nước có chính sách ưu đãi cho việc đầu tư nuôi, trồng dược liệu tại các vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo như: xây dựng hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, cho vay vốn lãi suất ưu đãi...

- Ngay trước mắt cần thực hiện việc quy hoạch vùng dược liệu, lựa chọn một số loại cây thích hợp có hiệu quả kinh tế cao, dựa trên yếu tố thị trường của sản phẩm, gắn chặt việc trồng với việc chế biến dược liệu theo các điều kiện và tiêu chuẩn được kiểm soát nghiêm ngặt, cần nắm được khả năng cung ứng thực tế.

- Nhà nước cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đột phá, tạo đầu ra cho dược liệu và các sản phẩm thuốc từ dược liệu, tạo cơ chế gắn kết giữa cung và cầu, trước mắt cần có hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu dược liệu.

+ Các nhà khoa học:

- Nghiên cứu tuyển chọn, tạo giống mới các giống dược liệu có tiềm năng về năng suất và chất lượng, phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng trồng tại Hà Giang;

- Chuẩn hóa nguồn dược liệu đã trở thành bài toán then chốt quyết định chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm ngành dược.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc chế biến, bảo quản dược liệu và sản xuất thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu để có những sản phẩm thương mại.

+ Đối với địa phương và người trồng dược liệu:

- Hết sức tránh tình trạng cung ứng dược liệu không rõ nguồn gốc, không đúng chủng loại yêu cầu, dược liệu có hiệu quả tác dụng kém và không an toàn, còn chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học, kim loại nặng, tạp chất gây bệnh...

- Tăng cường áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp dùng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm phân bón có nguồn gốc thực vật, vi sinh vật để sản xuất nguyên liệu an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Cần thực hiện việc xen kẽ trồng dược liệu với các cây lương thực.

+ Đối với doanh nghiệp chế biến dược liệu:

Để triển khai hiệu quả, cần chọn một số doanh nghiệp có năng lực để đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, đảm bảo xây dựng mô hình phối hợp nhằm xây dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, cung cấp dược liệu tốt và ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu.

- Cần có sự vào cuộc của các công ty sản xuất sản phẩm từ dược liệu trong việc định hướng vùng trồng, trên cơ sở nhu cầu của sản phẩm, tránh tình trạng trồng ồ ạt rồi dỡ bỏ. Thực tế này đã được chứng minh hiệu quả qua mô hình liên kết với người dân với các đơn vị sản xuất.

- Các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến dược liệu tại Hà Giang cần phối hợp với các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn người dân thu hái, sơ chế và bảo quản đúng quy cách, đảm bảo chất lượng nguyên liệu ổn định và đủ tiêu chuẩn.

- Cơ sở chế biến thực hiện việc thu mua dược liệu, lo đầu ra cho các hộ trồng trọt, kết hợp các hoạt động tập huấn quy trình kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng, phân bón cho nhà nông.

Kết hợp 4 nhà:

Giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà quản lý- nhà khoa học là giải pháp cần thiết để phát triển ngành dược liệu. 

6. Kết luận

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại dược liệu, với trên 1000 loại trong tổng số gần 4000 loại được phát triển và nuôi trồng tại Việt Nam, Hà Giang có tiềm năng phát triển trồng và chế biến cây dược liệu như một thế mạnh nhằm tăng doanh thu, cải thiện đời sống của bà con địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người lao động thường xuyên và lao động thời vụ. 

Để phát huy hiệu quả Đề án phát triển cây dược liệu, ngoài quyết tâm và định hướng đúng, còn cần nhiều yêu tố khác như nguồn vốn đầu tư, về cơ sở hạ tầng, sự phối hợp vào cuộc đồng bộ của 4 nhà: Nhà Khoa học – Nhà Quản lý – Nhà Doanh nghiệp và Nhà nông.

Dược liệu là tài nguyên di truyền - tài nguyên tái tạo. Dùng thế mạnh dược liệu đẩy mạnh công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, làm cho nhân dân ta có đủ thuốc tốt, khỏe mạnh và giàu có, làm cho các vùng kinh tế còn khó khăn, tiến và đuổi kịp các vùng khác trong cả nước..

Với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, với sự ủng hộ của các bộ, ngành cộng với sự phối hợp, hợp tác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự lao động cần cù, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của người lao động địa phương, chắc chắn ngành trồng và chế biến dược liệu sẽ trở thành thế mạnh của Hà Giang./. (theo hagiang.gov.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét