Có thể, bạn sẽ không nỡ lòng nói với đứa con thơ ngây rằng vì bị xà xẻo phần ăn, mà những mãnh thú của đại ngàn trông đều tiều tụy đến thảm hại trong những cái lồng nhốt chật chội bẩn thỉu. Bạn sẽ không nỡ làm con đau lòng khi tránh giải thích rằng, con voi và con khỉ bị nhốt riêng trong chuồng bê tông kia nhìn bơ vơ buồn tủi, vì chúng vốn chỉ quen sống theo bầy...
Báo Daily Mail tuần qua đưa tin: chú voi Raju ở Ấn Độ bị xiềng xích 24/24 trong suốt 50 năm qua, chú thường xuyên bị bỏ đói, nhiều khi phải ăn giấy để cầm cự qua ngày. Nhiệm vụ của Raju là giúp người chủ xin tiền lẻ của khách qua đường. Nhóm chuyên gia của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Wildlife SOS tới giải cứu Raju, họ đã kinh ngạc vì Raju chảy nước mắt khi họ tháo xiềng cho chú.
Tôi nhớ bài báo về cái chết của chú voi Khăm Bun vào tháng 8.2010, bức ảnh chụp một phụ nữ vòng tay ôm lấy chiếc cổ gày dơ xương và lõng bõng da của chú voi đã chết, bàn chân lở loét mang vết thương sâu vẫn rỉ máu của chú voi giơ lên chới với - như một cú đấm mạnh dội thẳng vào ngực tôi. Khăm Bun bị sập bẫy ở Yok Đôn năm 2006, một cơ quan cao cấp đã tặng chú cho LĐ Xiếc VN. CHú được gửi ở Công Viên Thủ Lệ, ở đó gần một năm Khăm Bun bị xích đứng ở nơi hứng nước tiểu của chuồng voi. Vết thương sơ sơ do trúng bẫy thợ săn ở chân Khăm Bun vì thế nhiễm trùng nặng. Chuyển về LĐ Xiếc, điều kiện chăm sóc sơ sài khiến vết thương của KHăm Bun không được cải thiện. Chị Hà (tôi vẫn nhớ bài báo gọi chị là “mẹ Khăm Bun” ) thương cảm con vật vô tội phải rời rừng xanh mà sống đời giam cầm, nên đã đến nơi nhốt Khăm Bun để trò chuyện và cho chú ăn hàng ngày.
Chị Hà xin đưa Khăm Bun trở về với rừng đại ngàn Tây Nguyên – để chú được dẫm chân lên tổ mối, ngâm chân dưới dòng sông Serepôk nước chảy xiết giúp vết thương được rửa sạch. Nhưng Khăm Bun là “quà tặng”, nên không ai dám quyết trả chú lại cho rừng. Sau 4 năm vật vã trong giam nhốt với vết thương không thể lành miệng, Khăm Bun đã lìa đời, với đôi mắt mở kinh ngạc cho chính cái chết tức tưởi của mình, với chân bên trái phù to mủ chảy ròng ròng, hoại tử đến tận khớp vai…
Bạn đã từng đi xem một buổi xiếc thú chưa? Trong sân khấu tròn ấy, những con chó sẽ nhảy dây, khỉ đi xe đạp và gánh nước, gấu đi trên dây, voi thì đứng chụm 4 chân trên chiếc đôn nhỏ, và những con hổ lao qua vòng lửa, sư tử có thể cưỡi ngựa…
Bạn có cười thán phục nổi không, nếu biết rằng để thực hiện được hành vi ngược tự nhiên như thế, những con thú đã bị người dạy xiếc tra tấn đến mức tàn bạo? Sử tử và hổ bị bẻ sạch răng nhọn, voi bị nện búa sắt vào đầu, gấu và đười ươi bị gậy bịt sắt nhọn đâm vào thân thể, khỉ bị xiết cổ, cá sấu bị nạo họng…
Trước tự nhiên công bằng, mọi loài đều được cho một sinh mệnh, những con vật phải làm trò vui cho con người vốn thuộc về rừng xanh hoặc sông dài biển rộng, chúng sinh ra không phải để làm xiếc và bị giam nhốt. Một nghiên cứu từ ĐH Oxford kết luận: “không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các rạp xiếc đóng góp được vai trò gì trong việc bảo tồn động vật. Việc chứng kiến những con thú làm các trò bất thường, không giúp giáo dục và thúc đẩy tình yêu động vật của người xem”.
Chúng ta không có lỗi nếu đi xem xiếc, hay ngày chủ nhật dắt con vào vườn thú. Có thể, bạn sẽ không nỡ lòng nói với đứa con thơ ngây rằng vì bị xà xẻo phần ăn, mà những mãnh thú của đại ngàn trông đều tiều tụy đến thảm hại trong những cái lồng nhốt chật chội bẩn thỉu. Bạn sẽ không nỡ làm con đau lòng khi tránh giải thích rằng, con voi và con khỉ bị nhốt riêng trong chuồng bê tông kia nhìn bơ vơ buồn tủi, vì chúng vốn chỉ quen sống theo bầy. Nhưng lòng thương xót thì bạn cần phải làm gương và nói cho con hiểu. Đừng bắt chú đười ươi phải hút thuốc như người đàn ông kia đang làm, đừng ném đá vào bầy khỉ như chàng thanh niên kia, đừng bắt chước cô gái nhí nhảnh cố dùng gậy chọc vào con nhím để nó phải bắn đến cọng lông cuối cùng trên tấm thân hồng lợt chỉ còn da…
Những đám lông rụng xác xơ, mảnh thân gày dơ xương, ánh mắt hoảng sợ và thất thần đến tội nghiệp của những con thú - hơn cả lời van vỉ, nó là kết tội câm lặng dành cho chúng ta. Có một con hươu cao cổ đã chết trong vườn thú, dạ dày của nó chứa 20 kg túi nilon – tôi muốn tin không có chiếc túi nào bạn ném vào trong số đó…
Bản chất tàn bạo không thay đổi, dù đối tượng hứng chịu sự tàn bạo ấy là con người hay con vật. Khi một người có thể ném một con mèo vào tường cho đến chết vì nó ăn vụng, đánh gãy xương con chó vì gặm rách đôi giày của chủ , vặt trụi lông những con chim đang sống để chúng rướm máu nhảy lên đau đớn chứng tỏ “thực phẩm tươi ngon”, cười khoái trá khi nhìn con khỉ ôm mình che chắn những tàn lửa châm vào…con người ấy liệu có thể hiền từ và đủ lòng thương với đồng loại hay không?
Để ngăn mầm mống của sự nhẫn tâm và khoái thú bạo hành, bạn có thể làm được, bằng việc không cổ vũ- tham gia- đồng lõa tra tấn một sinh mệnh khác mà chẳng cần lý do nào. Và khi bắt đầu tạo ra đau đớn, xin bạn hãy nhớ ngay cả một con voi cũng có thể khóc!
Theo NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG FACEBOOK (báo phụ nữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét